top of page

ÂM NHẠC DÂN GIAN: ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ

" Tiếng hát từ chính cuộc sống,từ chính tấm lòng của một người con yêu nhạc và cả từ chính miền đất nơi họ sinh ra là món quà trân quý nhất "

Nhắc đến miền Nam của Tổ Quốc Việt Nam là đang nhắc đến cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử nức lòng người hâm mộ nhạc. Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở miền Nam Việt Nam, ra đời vào cuối thế kỷ XIX, từ nhu cầu của cộng đồng, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương Nam - vùng miệt vườn, sông nước, với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can thường.


Năm 2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Đi sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đờn ca tài tử là nghệ thuật của Đờn và Ca. Đây là thứ vui tao nhã, bình dị của người dân quê chân chất, của những người nông dân lao đông cần cù.Hai chữ Tài Tử chỉ đến những người chơi nhạc có biệt tài giỏi về cổ nhạc. Và bằng sự sáng tạo linh hoạt của những nghệ nhân 'sành nhạc', Đờn ca tài tử đã không ngừng biến hóa và phát triển không ngừng trên cơ sở 20 bài gốc ( Bài Tổ ) và 72 bài nhạc cổ.


Trong hồ sơ trình UNESCO, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được xác định là loại hình âm nhạc vừa bình dân, vừa bác học, ra đời trên cơ sở nhạc lễ Nam Bộ, Nhã nhạc cung đình Huế, nhạc dân gian miền Trung và miền Nam. Tính dân gian là ai cũng tham gia được, ở bất cứ thành phần nào, hoàn cảnh nào, còn tính bác học là muốn ca hay, đờn giỏi thì phải có năng khiếu, phải có “nghề”.



Nhạc cụ dùng để biểu diễn Đờn ca tài tử cũng rất đa dạng, phong phú như đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn cò, sáo, tiêu, song loan và hai nhạc cụ của phương Tây là violon và ghi ta, đã được "cải tiến" - violon được lên dây quãng 4, còn ghita được khoét phím lõm, để tăng sự nhấn nhá trong điệu đàn. Và có lẽ nhờ tính đa dạng đó mà những nghệ nhân có thể phát triển và sáng tạo ' đứa con tinh thần ' của Nam Bộ.


Có rất nhiều người đã dành một đời chung thủy với loại hình nghệ thuật này và luôn truyền dạy niềm đam mê của mình với những thế hệ khác. Người nắm giữ và thực hành Đờn ca tài tử Nam Bộ gồm: người dạy đàn (còn gọi là Thày đờn), là người có kỹ năng, kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy chơi các nhạc cụ; người đặt lời (còn gọi là Thày tuồng), là người nắm giữ tri thức và có khả năng, kinh nghiệm sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (còn gọi là Thày ca), là người nắm giữ tri thức, thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến láy; người đờn - còn gọi là Danh cầm; và, người ca - còn gọi là Danh ca.




In đậm dấu ấn trên con đường chinh phục Đờn ca tài tử của Nam Bộ là những nghệ nhân bậc thầy nổi tiếng, như ông Nguyễn Quang Đại (nghệ danh là Ba Đọi) hay ông Lê Tài Khị (nghệ danh là Nhạc Khị) được coi là Hậu tổ, sau khi mất đã được cộng đồng tôn vinh, lập đền thờ, học trò hương khói thường xuyên.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm, Đờn ca tài tử đã trở thành ' món ăn tinh thần ' của người dân Nam Bộ. Đi ngược về xuôi miền Nam ấy chắc hẳn khách du lịch phải một lần ghé thăm và thưởng thức. " Tôi như bị tiếng đờn kìm réo rắt, tiếng ca ngọt lịm ấy làm cho ngẩn ngơ " là lời nhận xét của một vị khách phương xa lần đầu thưởng thức Đờn ca tài tử.


------------------------------------

Nguồn: daidoanket.vn - thanhnien.vn

Content: Ngọc Dung

Art: Nguyễn Hoàng

Comments


© 2020 By Đội ngũ OrienArt

bottom of page