Trải qua rất nhiều năm hình thành và phát triển, TP.Hồ Chí Minh tồn tại những công trình có tuổi đời hơn trăm năm chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn đặc trưng. Và một trong số đó là cầu sắt Bình Lợi, cây cầu bắc qua sông Sài Gòn và cũng là cây cầu đầu tiên vượt dòng sông này.
Có thể nói rằng, yếu tố sông nước luôn là một nhân tố quan trọng gắn liền với sự xuất hiện của các đô thị ở Việt Nam. Các thành phố lớn ở nước ta như Hà Nội, Huế hay Đà Nẵng, đều là những trung tâm đô thị được hình thành dọc những con sông. Tuy nhiên, không ở đâu đặc biệt như Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đất có một hệ thống sông ngòi chằng chịt, tạo nên một nét đặc trưng độc đáo cho bản thân Sài Gòn, nét đặc trưng tiêu biểu nhất của vùng đất phương Nam.
Với toàn bộ thép được chở từ Pháp sang, cầu Bình Lợi dài 276m, gồm 6 nhịp, được thiết kế theo kiểu cầu quay một nhịp dài 40m ở giữa, do độ tĩnh không của cầu Bình Lợi thấp trong khi nước sông Sài Gòn lại thường xuyên dâng cao theo triều. Đặc biệt là nửa đầu thế kỷ 20, nhiều tàu ghe buồm vẫn lưu thông trên sông này với những cây cột rất cao có thể vướng cầu.
Theo tôi, cầu sắt Bình Lợi, cùng với rất nhiều công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Bưu điện Thành Phố, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh hay Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh,... đã để lại cho “Hòn ngọc Viễn Đông” những di sản kiến trúc có giá trị lịch sử dồi dào. Bên cạnh đó, những công trình này còn thể hiện vị trí quan trọng của Sài Gòn trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Bởi nó là một trong những đại diện phản ánh rõ nét hiện thực khách quan của lịch sử, chứa đựng và ghi nhận các yếu tố chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật… ở thời điểm nó ra đời.
Tóm lại, khác với những tác phẩm của các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc hay văn học,... có thể bị mai một hoặc biến mất thì “kiến trúc bền vững” tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm vẫn hiện hữu trong không gian, song hành cùng đời sống xã hội hiện đại. Một công trình kiến trúc được ghi nhận là bền vững, nghĩa là giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cũng bền vững, cho dù xu hướng nghệ thuật, trào lưu kiến trúc, phong cách kiến trúc đã thay đổi rất nhiều. Dù cho đã bị tháo dỡ chỉ còn để lại duy nhất hai nhịp cầu để bảo tồn, nhưng chắc chắn ta sẽ chẳng bao giờ phủ nhận được tầm quan trọng trong việc giao thương và trao đổi buôn bán mà cây cầu đã đem lại cho Sài Gòn trong quá khứ, đồng thời là những giá trị mang đậm tính lịch sử mà không người dân Sài Gòn nào có thể quên được.