"Bao lâu rồi Sài Gòn chẳng có Đông
Trời vẫn xanh, tia nắng hồng vẫn ấm
Chiếc áo len, ta khoác vào lạ lẫm
Sài Gòn yêu… chỉ mùa nắng, mùa mưa!..."
(Trích Bao lâu rồi Sài Gòn chẳng có đông)
😍Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Thành phố Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng sâu sắc của một đô thị lớn nhất, náo nhiệt nhất và năng động nhất trong cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở giữa vùng Nam Bộ trù phú, tiếp giáp với phía Nam của miền Ðông Nam Bộ và rìa Bắc của miền Tây Nam Bộ. Nơi đây là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường không nối liền với các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ quốc tế của khu vực. Do đó việc giao lưu với các vùng trong cả nước và các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới rất thuận lợi.
🌟Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn của cả nước, hằng năm thu hút lượng lớn khách du lịch cả trong và ngoài nước. Bên cạnh điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông tương đối thuận tiện, Thành phố còn sở hữu những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Có thể kể đến một số địa điểm tiêu biểu như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Phố đi bộ Nguyễn Huệ,... hay những địa điểm mang yếu tố lịch sử, tâm linh như Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, Chùa Hoằng Pháp,... Và còn nhiều nơi tham quan khác nữa mà du khách khi đặt chân đến đây đều nên ghé qua.
1. Chợ Bến Thành

Chợ có lịch sử hình thành từ đầu thế kỷ 17, lúc đó chợ nằm gần sông Sài Gòn và là nơi mua bán của các tiểu thương. Chợ Bến Thành nằm ở Cửa Nam – nơi giao cắt giữa các con đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn và công trường Quách Thị Trang, phường Bến Nghé - quận 1 và là ngôi chợ lâu đời nhất tại đây. Biểu tượng nổi bật nhất của chợ chính là hình ảnh đồng hồ ở ngay cửa nam của ngôi chợ tựa như đồng hồ Big Ben ở London.
2. Nhà thờ Đức Bà

Nhà thờ Đức Bà là điểm đến quen thuộc của người dân và khách du lịch ở khắp nơi trên cả nước. Là một trong những công trình biểu tượng của thành phố nhưng ít ai biết, đây là vương cung thánh đường đầu tiên của Việt Nam được sắc phong vào năm 1959. Nhà thờ Đức Bà không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật mà còn là nhân chứng lịch sử, chứng kiến sự đổi thay của thành phố hơn 1 thế kỷ qua.
3. Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Phố đi bộ Nguyễn Huệ nằm ngay ở trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những công trình mới nhất của thành phố được hoàn thành vào lễ kỉ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4/2015. Buổi tối là thời điểm phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút khách du lịch hơn cả. Từ trên cao nhìn xuống, phố đi bộ Nguyễn Huệ đông vui nhộn nhịp, lung linh sắc màu bởi những ánh đèn. Mọi người sẽ vô cùng thích thú khi được thưởng thức màn trình diễn nhạc nước kết hợp với những ánh đèn laser nghệ thuật tạo màu sắc cuốn hút riêng cho con phố.
4. Dinh Độc Lập

Dinh Độc Lập là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và nổi tiếng bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh, đã tồn tại hơn 150 năm. Công trình được ông La Grandière, viên Thống đốc Pháp tại miền Nam Việt Nam, đặt viên đá khởi công xây dựng vào năm 1868 và hoàn tất vào năm 1871. Với các giá trị đặc biệt của Dinh Độc Lập, công trình này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1976. Đến năm 2009, Dinh Độc Lập được xếp hạng là một trong mười Di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, Dinh Độc Lập mở cửa cho người dân, du khách, và cũng đã đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia cũng như quan chức cấp cao của các nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.
5. Tòa nhà Bitexco

Tòa tháp được khởi công xây dựng vào tháng 5/2004, do kiến trúc sư người Mỹ Zapata thiết kế và khánh thành ngày 31/10/2010. Ý tưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ hình ảnh của búp sen vươn lên bầu trời, thể hiện cho khát vọng vươn lên của dân tộc, đại diện cho một Việt Nam đầy năng động nhưng vẫn gìn giữ bản sắc dân tộc. Tòa nhà có độ cao là 269m với 3 tầng hầm và 68 tầng lầu được thiết kế bằng thép và kính đôi gia nhiệt, có hàm lượng sắt thấp. Đặc biệt có tầng 49 là đài quan sát Sài Gòn Skydeck và bãi đỗ trực thăng với chiều dài 40m, ở tầng thứ 52 của tòa tháp.
6. Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An, tên gọi Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Hiện nay, tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Với giá trị tiêu biểu trên, di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2015.
7. Bến Nhà Rồng

Bến Nhà Rồng ban đầu là một thương cảng lớn ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1864 trên sông Sài Gòn. Gọi là Bến Nhà Rồng vì ở đó có một tòa nhà mang lối kiến trúc phương Tây nhưng trên đỉnh lại được gắn hai con rồng nên được người dân gọi là Nhà Rồng. Vào năm 1911, tại đây, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Ngày nay, bến Nhà Rồng đã trở thành nơi mà các thế hệ cháu con đất Việt tìm về để hiểu và trân trọng hơn những giá trị của lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh Cách mạng kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
8. Chùa Hoằng Pháp

Chùa Hoằng Pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ đã trải qua nhiều thăng trầm thời gian. Ngôi chùa thuộc địa phận xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, nằm trên một thửa đất rộng khoảng 6 ha. Chùa Hoằng Pháp được xây dựng từ năm 1959 bởi cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử. Chùa Hoằng Pháp đã tổ chức rất nhiều khóa tu Phật thất thu hút hàng nghìn thiện nam thiện nữ từ khắp nơi về đăng ký tham gia. Trong 7 ngày tu tại chùa bạn sẽ được học rất nhiều điều, nhiều văn hóa trong cuộc sống đạo Phật như: cách lễ bái, cách chắp tay, xá chào, cách lễ lạy và ý nghĩa của chúng. Đến đây không chỉ tu tâm, tu tính mà người tham gia còn được rèn luyện sức khỏe dẻo dai.
(Nguyễn Tiến Đạt - Lớp Thái Lan học-Khoa Đông phương học K20)
Hay quá anh ơi
Hay quá dạ