Ta chẳng nhớ Sài Gòn năm ta trẻ
Phố có sâu như phố của bây giờ
Ta quýnh quáng giữa đời muôn nẻo rẽ
Để cuối cùng quên hết những câu thơ.
Ban-công nhỏ Lũ mèo Viên gạch vỡ Những tàng me tô biếc bóng đêm mờ Ai đỏ mắt, ai cười khan góc quán Ai trở về thinh lặng giữa cơn mưa.
Cầu thang tối Bóng đèn vàng chớp tắt “Thương nhau đi Thương mãi Dẫu không còn” Lời ước hẹn muôn đời như dao sắc Và chúng mình là những đứa trẻ con...
(Trích Năm ta trẻ - Nguyễn Thiên Ngân)
Sài Gòn là một thành phố kì lạ- nơi đây níu giữ bước chân người. Người ta thường nói Sài Gòn hoa lệ, ngày thì lấp lánh, đêm lại trơ trọi; cũng có lúc tấp nập, vội vã, lại có lúc giản dị bình yên. Người ta yêu, người ta quý Sài Gòn không chỉ bởi vẻ ngoài hào nhoáng, mà còn là sự kết nối giữa con người, bởi thế ai cũng mong một lần đặt chân đến vùng đất này. Mỗi người sẽ có cho mình một hành trình khác nhau trên mảnh đất rộng lớn này, nhưng chung quy lại, ta đều không thể quên một Sài Gòn đẹp đẽ, ấm áp và nghĩa tình.
Hành trình của tôi ở thành phố này bắt đầu với một địa điểm khoác lên mình lớp kiến trúc Phục hưng cổ vẫn vẹn nguyên cho đến ngày nay - Bưu điện Thành phố. Công trình được xây dựng từ năm 1886 đến 1891 bởi kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel người Pháp (người nổi tiếng với công trình thế giới- Tháp Eiffel). Đây là một trong những địa điểm ghi dấu nền văn hóa Việt - Pháp, đồng thời chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử.

Bưu điện trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh
Những lần quay lại đây, tôi thường ghé tìm những người thợ chụp ảnh, ông cụ viết thư tay thuê để lắng nghe câu chuyện của họ, về Sài Gòn đi qua những năm tháng lịch sử như thế nào và những giá trị đẹp đẽ còn tồn tại của một thời vàng son.

Cụ Dương Văn Ngộ- người viết thư tay thuê cuối cùng ở TP.HCM
Nhắc đến những giá trị trường tồn cùng thời gian, tôi mới chợt nhớ về căn cứ địa lịch sử ở vùng đất mang tên Người - Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Địa đạo Củ Chi hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Xem những thước phim lịch sử, trải nghiệm những chiếc hầm sâu dưới mặt đất 3m, Bếp Hoàng Cầm tỏa khói mỏng nhẹ như sương mù, món khoai mì chấm muối mè một thời gian khổ nhưng đầy hào hùng và kiên trung... tất cả của một thời anh dũng đã qua. Đây là một kỳ quan về nghệ thuật quân sự độc đáo của đất nước ta, thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của con người vùng “đất thép thành đồng”. Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước và tưởng nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hai cuộc chiến tranh lớn giải phóng dân tộc.

Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi

Trải nghiệm hầm sâu 3m dưới lòng đất.

Khoai mì, muối mè, món ăn ghi dấu một thời gian khổ đã qua, hào hùng, kiên trung.
Địa điểm cuối trong hành trình trên đất Sài thành nhiều cảm xúc. Hằng năm, mùng 1 tháng Giêng âm lịch, gia đình tôi có truyền thống đi lễ chùa. Và vì thế trong hành trình của tôi có thêm một nơi mang đậm văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh. Tín ngưỡng thờ Quan Công cũng là một trong những nét đặc sắc nhất, tiêu biểu cho văn hóa tinh thần người Hoa nói riêng, người Việt nói chung. Tại Sài Gòn, tinh thần đó được thể hiện rõ nét nhất ở công trình kiến trúc: Hội quán Nghĩa An. Hội Quán Nghĩa An (còn được gọi là Chùa Ông hay Miếu Quan Đế), tọa lạc tại số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh. Nơi đây thờ thần Quan Công, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Trong văn hóa của người Hoa, miếu thờ thần Quan Công biểu hiện cho lòng trung nghĩa, hướng về quê hương của những người con xa xứ, và cái tên “Nghĩa An” cũng biểu thị cho ý niệm tưởng nhớ về gốc gác như trên. Dần dần, nơi đây đã trở thành nơi hội họp, thờ cúng và thể hiện văn hóa tâm linh của người Hoa sinh sống ở Sài Gòn. Nơi đây có không khí trang nghiêm, linh thiêng với những cột gỗ cao treo câu đối. Bên cạnh đó còn có những bao lam, hoành phi và khám thờ được chạm trổ, điêu khắc tinh tế. Nghĩa An Hội quán còn có những bức tượng, phù điêu bằng gốm trang trí trên mái ngói, các bông hoa chạm ngược, tượng kỳ lân hay những câu đối, tranh vẽ mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Hội quán Nghĩa An với lối kiến trúc nổi bật ở Sài Gòn.

Họa tiết, hoa văn trang trí trong điện thờ.
Có được cho riêng mình một hành trình ở Sài Gòn thân thương là một trải nghiệm tuyệt vời và đầy hoài niệm. Dù cho thời gian xoay vần, kẻ đến người đi, Sài Gòn vẫn lẳng lặng ở đó, mời bạn đến ghé thăm. Hành trình tuyệt vời của bạn bắt đầu ở đâu, hãy chia sẻ cùng mọi người nhé!
(Nguyễn Mỹ Mẫn Nghi, Úc học, Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV)
tui đã vi vu thành phố cùng bài viết của Mẫn Nghi
❤❤❤❤
Hay lắm Nghi ưi, có dịp đi hết mấy chỗ này chắc dui & ý nghĩa lắm nè💯💯
😘😘😘😘
💜💜💜