Tóm tắt Chương 1:
Khái niệm Đảng chính trị Trong các sách báo viết về lịch sử và chính trị học, người ta đưa ra nhiều quan điểm thế nào là một Đảng phái chính trị. 1.1.1. Theo quan điểm Mác-xít Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, đảng chính trị được định nghĩa như sau: “Đảng chính trị là một tổ chức chính trị của một giai cấp, đại biểu lợi ích cho giai cấp đó. Đảng chính trị ra đời nhằm mục đích đấu tranh giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước. Đảng chính trị lãnh đạo giai cấp đấu tranh giành chính quyền bằng phương pháp cách mạng và bạo lực cách mạng” [V. I. Lênin (1979): Toàn tập, tập 6. Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr.124]. Theo đó, đảng chính trị là bộ phận tích cực nhất, có tổ chức của một giai cấp nào đó hay một tầng lớp nào đó của một giai cấp, làm công cụ đấu tranh cho lợi ích của giai cấp. Đảng chính trị bắt đầu trong điều kiện đấu tranh giai cấp đã phát triển đến trình độ nhất định của cuộc đấu tranh chính trị, khi mục tiêu giành chính quyền được đặt ra trực tiếp. Đảng chính trị luôn theo đuổi những mục đích chính trị nhất định, cố gắng gây ảnh hưởng, lãnh đạo đối với chính trị và tổ chức xã hội, ra sức giành và giữ chính quyền để thực hiện lợi ích của mình.
Cũng theo quan điểm của chủ nghĩa Marx, nhà triết học chính trị Xô viết Anatoli Butenko cho rằng: “Chính đảng là tổ chức chính trị đoàn kết những đại biểu tích cực nhất của một giai cấp xã hội nhất định (hay một nhóm xã hội) và thể hiện (trong cương lĩnh và các văn kiện khác) những lợi ích cơ bản của giai cấp đó” [A. Butenko (1987): Đảng trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, tr.19] Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa “Đảng chính trị là tổ chức chính trị thể hiện những lợi ích của một giai cấp hay tầng lớp xã hội, liên kết những đại diện ưu tú nhất của giai cấp để lãnh đạo giai cấp đạt tới những mục đích và lý tưởng nhất
định” [Hội đồng lý luận Quốc Gia (1995): Từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb. Tiến bộ. HN, tr.465]. Như vậy theo quan điểm của chủ nghĩa Marx, đảng chính trị nào cũng mang bản chất giai cấp, tồn tại với mục đích nắm quyền lực nhà nước để bảo vệ lợi ích giai cấp mà nó đại diện. Không có đảng chính trị nào phi giai cấp, siêu giai cấp. 1.1.2. Theo quan điểm phi Mác xít Có rất nhiều định nghĩa khác nhau được đưa ra. Một trong những định nghĩa cổ xưa nhất là của Benjamin Constant đại diện cho trường phái bảo thủ ở Anh quốc cho rằng: "Một đảng là một tập hợp những người có chung quan điểm về các học thuyết chính trị". Một nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ là Anthony Downs có đưa ra định nghĩa: “Một đảng chính trị là một đội ngũ, gồm nhiều người, tìm kiếm việc kiểm soát chính quyền một cách chính danh, thông qua việc thực hiện một cuộc bầu cử” (Anthony Downs, An Economic Theory of Democracy, New York: Harper & Brothers, 1957, trang 25.)
Định nghĩa về Đảng của E. Berk, nhà triết học theo trường phái bảo thủ: "Đảng là một tổ chức của những người liên kết lại với nhau với một nguyên tắc đặc thù để tạo ra đồng thuận nhằm thúc đẩy các quyền lợi quốc gia bằng những nỗ lực chung"
Dựa trên cơ sở các yếu tố xác định các đảng phái của giáo sư La Palombara, Quermonne đưa ra định nghĩa về các đảng phái như sau: “Các đảng là các lực lượng chính trị có tổ chức, liên kết công dân có cùng khuynh hướng chính trị nhằm động viên ý kiến về một số mục tiêu nhất định và để tham gia vào các cơ quan quyền lực để hướng quyền lực đến chỗ đạt được những yếu tố đó”
Tài liệu: